Cách trồng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn
Bưởi là một loại cây ăn quả chủ lực, được định hướng phát triển. Trong đó, bưởi Da xanh là giống ăn tươi, được ưa chuộng nhất, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tiềm năng thị trường tiêu thụ bưởi Da xanh được dự báo là rất lớn. Những cơ sở sản xuất có thương hiệu hoặc đạt các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt cho thị trường cao cấp và xuất khẩu.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Yêu cầu về sinh thái
- Nhiệt độ: thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển là 23-29oC.
- Ánh sáng: thích hợp nhất là có cường độ 10.000-15.000 Lux (nắng lúc 8-9 giờ sáng hoặc 2-4 giờ chiều).
- Nước: bưởi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng không chịu ngập úng. Độ mặn trong nước tưới không được quá 0,2% (2 gam muối/lít nước).
- Đất trồng: phải có tầng canh tác sâu, ít nhất là 0,6m. Đất cần tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, độ ẩm đất 70-80%, pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao >3%, ít bị nhiễm mặn, mực thủy cấp thấp dưới 0,8m.
Chuẩn bị, xây dựng mô hình
Thiết kế vườn
Hướng trồng: hàng bưởi nên trồng vuông góc với hướng Đông-Tây.
Vườn có quy mô lớn (> 3ha) nên thiết kế lô trồng theo kiểu bàn cờ có các trục đường chính nối liền bằng các đường nhánh và hệ thống đường lô nhỏ. Trong vườn phải thiết kế mương thoát nước. Có thể từ 2-3 hàng bưởi có 1 mương thoát nước. Xung quanh vườn xẻ mương lớn thoát nước.
Trồng cây chắn gió, như cây dâm bụt để cao (trồng đan chéo chữ A bằng phương pháp dâm cành), keo tai tượng, tràm bông vàng (cây cách cây 50 cm). Khoảng cách giữa hàng cây chắn gió với hàng cây bưởi trong vườn từ 3-4 m.
Thiết kế hệ thống tưới
Hiện nay hệ thống tưới áp dụng trên vườn bưởi phổ biến là tưới phun trên tán và tưới phun dưới tán. Tưới phun dưới tán tiết kiệm nước hơn và góp phần giảm hoạt động của nhện đỏ trong mùa khô.
Tưới phun dưới tán: là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 3600, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5-1,0m (dưới dạng phun sương hay phun mù). Giữa 4 cây bưởi được lắp đặt 1 vòi phun.
Tưới phun trên tán: là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ trên tán xuống nhờ một hệ thống ống dẫn nước và máy bơm với các vòi cố định (có thể giữa 4 cây bưởi có 1 vòi phun hoặc mỗi một cây bưởi có 1 vòi phun ngắn vào giữa tán cây). Chiều cao của béc phun trên ngọn cây khoảng 30-50cm.
Mật độ, khoảng cách trồng
Khoảng cách trồng phụ thuộc vào tính chất của đất, đất giàu dinh dưỡng trồng thưa, ngược lại đất nghèo dinh dưỡng thì trồng dày hơn. Nếu vườn có trồng cây trồng xen thì trồng thưa. Nếu gia đình có khả năng thâm canh cao thì trồng thưa.
Khoảng cách trồng đối với cây bưởi Da xanh ở miền Đông Nam Bộ nói chung thích hợp là 6×7 m (tương đương 238 cây/ha).
Chuẩn bị cây giống
Chọn cây giống được nhân giống bằng phương pháp ghép, đạt tiêu chuẩn cây giống bưởi nhân giống bằng phương pháp ghép (theo TCVN 9302:2013). Đối với sản xuất theo VietGAP thì phải lưu hóa đơn mua cây giống và ghi đầy đủ thông tin về giống.
Đào hố, bón lót.
Đào hố trước khi trồng 4 tuần, hố có kích thước 60x60cm, sâu 50 cm (đất xấu nên đào kích thước hố lớn hơn).
Bón lót gồm: 20-30 kg phân hữu cơ hoai + 1,0-1,5 kg phân super lân + 0,5 kg vôi + 200-300 g phân NPK (16-16-8) + 50 g thuốc hạt Regent. Hỗn hợp này trộn đều với lớp đất mặt sau đó cho toàn bộ hỗn hợp vào hố. Lấp đất đầy hố, cắm cọc đánh dấu để trồng cây sau đó.
Thực hiện mô hình
Chọn đất trồng và thời vụ
Bưởi Da xanh thích hợp trên đất thoát nước tốt, pH từ 6,0-7,0.
Mùa vụ: bưởi Da xanh có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nước tưới, tốt nhất là vào đầu mùa mưa từ tháng 5-7 (dương lịch).
Kỹ thuật trồng
Trồng cây
Đào giữa hố một lỗ vừa bằng bầu cây.
Dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu cây và kéo bao nilon ra.
Nhẹ nhàng đặt cây giống xuống lỗ, xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh tách chồi ghép và đặt mặt bầu ngang mặt hố, dùng tay kéo đất vào gốc cây và nén đất chặt vừa phải ngang mặt bầu, không được lấp đất vào vị trí ghép.
Sau trồng phải cắm cọc và buộc cố định cây con và tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng rơm, thân cây họ đậu, thân cây cỏ với bề dày khoảng 2 cm và đường kính lớp phủ khoảng 2 m. Sau khi trồng, nếu không có mưa thì phải tưới nước ngay. Tưới nước thường xuyên nếu không có mưa.
Chú ý không trồng vào lúc trời nắng gắt (10 giờ sáng đến 16 giờ chiều).
Trồng xen
Trong thời kỳ kiết thiết cơ bản khi các cây bưởi trong vườn chưa giao tán nên trồng cây trồng xen để lấy ngắn nuôi dài, che phủ đất chống xói mòn, tạo tiểu khí hậu tốt cho vườn, hạn chế có dại trong vườn.
Một số cây trồng xen trong vườn bưởi Da xanh:
Cây họ đậu (như đậu phộng, đậu xanh): trồng giữa các hàng bưởi, cách gốc khoảng 1,0-1,5m.
Cây ổi: trồng từ 1-2 hàng ổi ở giữa hàng bưởi, cây cách cây 3m, nếu trồng 2 hàng ổi trong hàng bưởi thì hàng cách hàng 2m. Có thể trồng bất kỳ giống ổi nào cũng có thể trồng để xua đuổi rầy chổng cánh.
Quản lý cỏ dại
Nước: vào mùa nắng ở những vùng thiếu nước thì nên hạn chế sự phát triển của cỏ dại nhằm tránh sự cạnh tranh về nước. Vào mùa mưa nên khai thác thế mạnh của cỏ về khả năng hút nước từ dưới đất và thoát hơi nước qua bộ lá làm cho đất được thông thoáng hơn.
Ánh sáng: khi vườn cây còn nhỏ, cần hạn chế cỏ mọc vượt lên hay dây leo che ánh sáng.
Dinh dưỡng: khi cỏ dại phát triển trong vườn sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây bưởi. Tuy nhiên, khi cắt thân lá trả lại thì đã bù đắp lại một phân dinh dưỡng cho cây bưởi thông qua chất hữu cơ.
Biện pháp quản lý cỏ dại trong vườn bưởi: có thể áp dụng kiểu làm cỏ thủ công hay làm cỏ bằng máy cắt cỏ. Không sử dụng thuốc trừ cỏ. Khi cây chưa giáp tán, nên áp dụng trồng xen để hạn chế cỏ. Thường xuyên duy trì một lớp cỏ có chiều cao nhất định để che phủ mặt đất hạn chế rửa trôi xói mòn, giữ ẩm cho đất trong mùa khô.
Bón phân thời kỳ kiết thiết cơ bản
Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây từ 1-3 năm tuổi) phân bón được chia làm nhiều đợt bón trong năm (6 đợt/năm).
Phương pháp bón phân:
Trong năm thứ nhất nên hòa phân để tưới cho cây: liều lượng 1kg phân DAP + 1 kg phân Urea + 0,5 kg phân KCl hòa vào 200 lít nước, tưới 5-6 lít dung dịch/cây. Tưới phân định kỳ 2 tháng/lần bắt đầu từ 1 tháng sau trồng.
Ở năm thứ 2 và thứ 3 nên đào rãnh nhỏ xung quanh tán cây, cho phân vào rãnh, xới xáo trộn phân vào đất và lấp đất lại. Sau khi bón, nếu đất không đủ ẩm thì phải tưới nước.
Phân bón lá: phun theo tình trạng, giai đoạn và sức khỏe của cây. Có thể tiến hành phun 1-2 tháng/lần.
Bón phân cho thời kỳ kinh doanh
Thời điểm bón phân:
Phân hữu cơ: bón toàn bộ ngay sau thu hoạch.
Phân vô cơ được chia làm 4 lần bón:
Lần 1 (sau thu hoạch 1 tuần): 50%N + 25% P2O5 + 100% vôi + 100% phân hữu cơ.
Lần 2 (4 tuần trước khi cây ra hoa): 20%N + 50% P2O5 + 30% K2O.
Lần 3 (sau khi đậu quả): 30%N + 25% P2O5 + 50% K2O.
Lần 4 (8 tuần trước thu hoạch): 20% K2O.
- Phương pháp bón: đào rãnh xung quanh tán cây và luân phiên quanh tán để hạn chế đứt rễ (rãnh sâu 20cm, rộng 30cm), cho phân vào rãnh, xới xáo trộn phân vào đất và lấp đất lại. Sau khi bón, nếu đất không đủ ẩm thì phải tưới nước. Khi cây giao tán không cần đào rãnh xung quanh tán cây mà có thể theo ô bàn cờ hoặc xới nhẹ cuốc toàn mặt vườn, vãi phân trên bề mặt đất và tưới nước sau khi bón phân.
- Phân bón lá: sử dụng phân bón lá nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt, bên cạnh đó phân bón lá còn giúp cho cây ra hoa thuận lợi trong việc xử lý ra hoa lệch vụ. Đặc biệt là phân bón lá có hàm lượng lân cao giúp cho cây bưởi phân hóa mầm hoa tốt như MKP (0.52.34), lân đỏ (86% P2O5).
- Nuôi quả: lượng phân bón được sử dụng ở lần bón thứ 3 và thứ 4. Đặc biệt ở lần bón thứ 3 nên chia thành 3 thời điểm bón:
- Thời điểm thứ nhất: sau khi đậu quả 10 ngày với lượng bón 1/3
- Thời điểm thứ hai: sau lần bón thứ nhất 3 tháng với lượng bón 1/3
- Thời điểm thứ nhất: sau lần bón thứ hai 3 tháng với lượng bón 1/3 còn lại
Đối với lần bón thứ 4 vẫn bón theo quy trình là 8 tuần trước khi thu hoạch
Bên cạnh việc bón phân gốc để nuôi quả thì hàng tháng cũng cần sử dụng phân bón qua lá giúp quả phát triển tốt hơn. Có thể sử dụng phân bón lá Growmore 20.20.20, Ba lá xanh 30.30.30. Bổ sung Ca cho cây bằng phân bón lá như Caltrac, Toba Cabo, Calmax (Hi-Canxi), Canxi-nitrat.
Tưới nước
Tưới nước là biện pháp kỹ thuật quan trọng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng trái bưởi. Tưới phun bằng hệ thống tưới giúp điều hoà không khí cho vườn bưởi khắc phục được hiện tượng thời tiết không thuận lợi (nắng nóng, độ ẩm không khí thấp); tiết kiệm được lượng nước tưới và công lao động; giảm đáng kể mật số nhện và một số côn trùng trên cây bưởi từ đó giảm được công phun thuốc cũng như thuốc bảo vệ thực vậ, giúp màu sắc của vỏ trái đẹp.
Tỉa cành, tạo tán
Kỹ thuật tạo tán cho cây ghép, có cây đơn thân: tạo cho cây có một thân mọc thẳng từ dưới lên đến nơi phân cành đầu tiên ở độ cao từ 40-60 cm. Cành phân bố đều theo các hướng và tán mở (hở tâm) giúp tán lá nhận ánh nắng tốt nhất. Chiều cao cây được cố định không quá cao (3,0-4,0 m) và tán cây không được giao nhau trên hàng.
Các bước tạo tán cho cây bưởi:
Cây sau khi trồng được cố định bằng cọc để thân mọc thẳng, tỉa bỏ các cành mọc thấp (< 40-60cm từ mặt đất).
Khi cây cao được 1,2 m thì cắt phần ngọn cách mặt đất 1m để các cành cấp I phát triển.
Chọn 3-4 cành khoẻ, mọc từ thân chính, phát triển theo 3 hướng khác nhau, có kích thước tương đối đồng đều nhau làm cành cấp I. Các cành này mọc cách đều nhau trên thân. Dùng cọc chống giữ cành cấp I tạo với thân chính 1 góc 35-400.
Sau khi cành cấp I phát triển dài 50-80 cm thì cắt ngọn để các mầm ngủ phát triển hình thành cành cấp II và chỉ giữ lại 2-3 cành mọc mở ra các hướng để cành phân bố đều nhau trong tán.
Các cành cấp II này cách nhau từ 20 đến 30 cm, tạo với cành cấp I góc 30-350. Sau đó cũng tiến hành cắt ngọn của cành cấp II như cách làm ở cành cấp I. Từ cành cấp II sẽ hình thành cành cấp III.
Cành cấp III không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ cành mọc dày hoặc quá yếu.
Ở chính giữa tâm tán hướng từ trên xuống, tỉa các cành cấp III để cho ánh sáng có thể đi vào giữa tán giúp cây nhận được nhiều ánh sáng.
Sau 3 năm công việc tạo tán được hoàn thành, lúc này cây có bộ khung vững chắc, nhận được nhiều ánh sáng, cây phát triển cân đối, thuận lợi cho quá trình chăm sóc.
Kỹ thuật tỉa cành: là công việc thường xuyên đối với cây bưởi trong thời kỳ kiết thiết cơ bản. Có thể tiến hành định kỳ 1-2 tháng một lần.
Các cành tỉa bỏ: cành bị sâu bệnh gây hại nặng, cành bị chết, cành ốm yếu, cành mọc đan chéo nhau, cành mọc quá dài, cành vượt, cành rũ sát mặt đất.
Khử trùng dụng cụ cắt cành như kéo cắt cành, cưa bằng nước Javel 5% hoặc cồn 900 trước khi chuyển sang cây khác để tiếp tục cắt cành. Vết tỉa cành bôi với dung dịch bordeaux 1% hoặc quét mỡ bò nếu cành bị cắt là cành lớn.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Sâu hại
Sâu vẽ bùa (Phyllocnistics citrella Station): gây hại khi ở giai đoạn sâu non, đục thành những đường hầm ngoằn ngoèo trên lá làm giảm khả năng quang hợp, hoa và trái dễ bị rụng, cây phát triển kém. Vết đục tạo điều kiện cho bệnh loét, bệnh ghẻ xâm nhập và phát triển.
- Biện pháp phòng trừ: kiểm soát chồi non ra đồng loạt; nuôi kiến vàng để hạn chế mật số sâu; phun dầu khoáng (Citrole 96.3EC, SK Enspray 99 EC, Dầu khoáng DS 98.8 EC) khi 25% số cây ra chồi non và 10% số chồi non bị hại. Chồi non < 1cm thì tiến hành phun ngay. Phun lần 2 sau lần 1 từ 6-7 ngày. Phun thuốc thuốc trừ sâu sinh học như AztronWG 35000 DMBU (Bacillus thurigiensis var. aizawai), Abatimec 3.6 EC (Abamectin), Angun 5ME (Emamectin benzoate) khi 25% số cây có chồi non bị hại 50%. Phun lần 2 sau lần 1 từ 6-7 ngày.
Rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuway): ấu trùng tập trung ở chồi và lá non, chích hút nhựa cây làm cho lá quăn, ngừng sinh trưởng. Khi mật số cao làm cho chồi non bị khô, rụng lá, gây hiện tượng khô cành. Dịch do rầy chống cánh bài tiết ra chứa đường, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển; là môi giới truyền vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus gây bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi (Greening).
- Biện pháp phòng trừ: tỉa cành và bón phân hợp lý để dễ phát hiện rầy chổng cánh; trồng cây chắn gió để hạn chế sự tái xâm nhiễm của rầy; không trồng các loại cây trong họ cây có múi như Nguyệt quế, Cần thăng, Kim quýt gần vườn bưởi Da xanh; dùng bẫy màu vàng để theo dõi mật số rầy. Mỗi vườn nên đặt ít nhất 5 bẫy để theo dõi (4 bẫy ở 4 góc vườn và 1 bẫy ở chính giữa vườn). Khi phát hiện thành trùng thì áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời. Sử dụng Dầu khoáng (SK Enspray 99 EC, Dầu khoáng DS 98.8 EC) phun khi chồi non ra khoảng 0,5-1,0cm và 2% số cây trên vườn ra đọt non, mỗi đợt chồi nên phun 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7 ngày. Một số loại thuốc trừ sâu sinh học/hóa học có thể sử dụng (khi cần thiết) như Butal 10 WP (Buprofezin), Abasuper 3.6EC (Abamectin). Trồng từ 1-2 hàng ổi ở giữa hàng bưởi, để xua đuổi rầy chổng cánh.
Sâu đục trái (Citripestis sagittiferella Moore): sâu non có thể tấn công từ tháng thứ 2-6 sau đậu trái (đặc biệt là từ tháng thứ 3-4). Thường trên cùng một trái có 1 hay nhiều hang, mỗi hang chỉ có một sâu non cư ngụ và gây hại. Khi trái bị tấn công thì sau một thời gian sẽ rụng.
- Biện pháp phòng trừ: sau thu hoạch phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom toàn bộ trái bị nhiễm sâu đục quả đem đi tiêu hủy bằng cách đào hố sâu và cho trái xuống đồng thời rải thuốc như Diazan 10Gr (Diazinon). Tỉa cành, tạo tán cho vườn thông thoáng kết hợp với bón phân. Khoảng 1 tháng sau khi đậu trái tiến hành bao trái bằng loại bao thích hợp. Khi có khoảng 10% số trái bị sâu đục quả gây hại thì sử dụng thuốc BVTV để phun như SK Enspray 99EC (Petroleum spray oil) hay Silsau super 3.5EC (Emamectin benzoate). Phun 4 lần, các lần cách nhau khoảng 7 ngày, nồng độ theo nhà sản xuất, phun vào tất cả các trái có trên cây.
Rầy mềm (Toxotera aurantii): cả ấu trùng và thành trùng đều gây hại cho cây do chích hút nhựa lá và cành non làm giảm khả năng tăng trưởng của cây; lá non bị cong và biến dạng. Đồng thời rầy mềm cũng làm cho quả chín sớm và giảm phẩm chất, phân rầy có chứa đường sẽ thu hút nấm đen tới đóng trên thân hay lá làm giảm khả năng quang hợp của cây. Ngoài ra rầy mềm còn truyền bệnh Tristeza trên cây có múi.
- Biện pháp phòng trừ: dùng vòi phun có áp lực mạnh phun trực tiếp lên chồi, trái có rầy mềm. Bảo vệ các loài thiên địch như bọ rùa, các loài ong ký sinh. Các loài này có thể khống chế đến 95% mật số rầy mềm trong điều kiện tự nhiên. Khi có 25% số lá bị rầy mềm gây hại thì sử dụng thuốc BVTV như Kuraba WG (Abamectin + Bacillus thurigiensis var. kurstaki) hay Proclaim 1.9 EC (Emamectin benzoate), Dantotsu 16 SG (Clothianidin). Nồng độ phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Xén tóc xanh đục cành (Chelidonium argentatum Dallas): đẻ trứng vào nách các cành nhỏ có đường kính từ 0,5-1,0 cm. Sâu non đục rỗng cành, làm cành còi cọc, suy yếu nhanh, không có khả năng nuôi quả, giảm năng suất. Bị hại nặng cành bị chết khô hoặc có thể bị gãy. Những vùng trồng cây có múi lâu năm hoặc những vườn bưởi nhiều tuổi thường bị nặng.
- Biện pháp phòng trừ: dùng vợt bắt xén tóc để diệt từ tháng 4 hàng năm. Cuối tháng 5 đến tháng 6, quan sát tán cây, nếu có các cành nhỏ bị héo 2-3 lá ngọn cần bẻ để tìm và diệt sâu non. Tháng 7 đến tháng 8, sâu đục xuống cành lớn, tìm lỗ đục và diệt sâu non. Có thể phun thuốc BVTV khi bắt đầu có cành héo, muộn hơn có thể bơm thuốc BVTV vào trong lỗ đục hoặc tẩm thuốc BVTV vào lỗ đục. Một số loại thuốc BVTV có thể sử dụng như Amitage 200 EC (Carbosulfan), Sherbush 25 EC (Cypermethrin), Vitashield 40 EC (Chlorpyrifos Ethyl). Nồng độ phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis Hendel): đẻ trứng vào nơi tiếp giáp vỏ quả và thịt quả. Dòi ăn thịt quả, càng lớn thì càng ăn sâu vào phía trong. Đẫy sức chúng rời khỏi quả, rơi xuống đất (nếu quả chưa rụng) và chui vào đất ở dưới tán cây để hóa nhộng.
- Biện pháp phòng trừ: tiêu hủy toàn bộ quả rụng trong vườn. Thu hái tất cả các quả còn sót lại trên cây sau vụ thu hoạch. Thu hoạch quả đúng độ già, không nên để quả quá chín trên cây. Bao quả không cho ruồi đẻ trứng. Tẩm 2-4 ml Pheromone có trộn với thuốc trừ sâu (như Regent) vào miếng thấm, treo lên cây để bẫy ruồi đực. Tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào bẫy, cứ 2 tuần thì thay 1 lần, thực hiện đồng loạt trên diện rộng thì mật số ruồi giảm rất có ý nghĩa. Sử dụng bẫy dính màu vàng, khoảng 20–22 bẫy/ha. Sử dụng thuốc jianet phun xịt lên bề mặt chai nhựa trắng, chai nhựa trong suốt hoặc các vật liệu bằng nhựa trong suốt, nhẵn. Sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết như Vizubon D (Methyl eugenol 85%+ Imidacloprid 15%), Acdruoivang 900 OL (Methyl eugenon + Imidacloprid). Có thể sử dụng thuốc BVTV rắc xung quang gốc cây để trừ nhộng của ruồi.
Nhóm nhện nhỏ hại bưởi: là nhện đỏ (Panonychus citri) và nhện vàng (Phylocoptruta oleivora), gây hại trên bề mặt của lá và quả, ăn lớp biểu bì tạo thành những chấm nhỏ li ti, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, có thể khô và rụng lá. Trên trái, nhện tập trung ở phần cuống trái, đáy và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì và làm vỡ tuyến tinh dầu trên vỏ trái, tạo nên những đốm sần sùi ‘da lu, da cám’.
- Biện pháp phòng trừ: sau khi thu hoạch xong, tiến hành bón phân, tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng. Phun thuốc phòng trước khi nhện sinh sản, như Kuraba WP (Bacillus thurigiensis + Abamectin) hoặc Abapro 1.8 EC (Abamectin). Kết hợp dùng vòi nước phun mạnh lên tán lá, quả sẽ giảm mật số nhện đáng kể. Giữ ẩm tán cây và đất trồng trong mùa khô. Giai đoạn cây ra hoa đậu trái, cần quan sát mật độ nhện, nếu thấy khoảng 3 thành trùng trên một lá hoặc trái thì tiến hành phun các loại thuốc Kuraba WP (Bacillus thuringiensis + Abamectin), Abapro 1.8 EC (Abamectin), Comite 73 EC (Propargite) kết hợp với dầu khoáng (SK Enspray 99 EC, Dầu khoáng DS 98.8 EC) hoặc GC-mite 70SL (Dầu hạt bông + dầu đinh hương + dầu tỏi).
Rệp sáp giả (Planococcus citri): chích hút nhựa làm lá bị quăn vàng, cây phát triển kém. Trên trái non, nếu rệp sáp có mật số cao thì trái không phát triển và có thể bị rụng sớm. Rệp tiết mật, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp. Rệp sáp thường gây hại mạnh trong mùa nắng. Những vườn thiếu chăm sóc, ẩm độ cao, không thoáng mát hoặc vườn đã sử dụng nhiều thuốc trừ sâu thường ó sự bộc phát của rệp sáp.
- Biện pháp phòng trừ: phun nước vào tán cây bằng vòi áp lực cao để rửa trôi rệp. Bảo vệ thiên địch (ong ký sinh trên rệp sáp). Hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu…Nếu bị rệp sáp gây hại nặng, dùng các loại thuốc như: Pesieu 350SC (Diafenthiuron), Dantotsu 16 SG (Clothianidin), kết hợp với dầu khoáng (SK Enspray 99 EC, Dầu khoáng DS 98.8 EC) hoặc Citrole 96.3 EC (Petroleum spray oil) để tăng hiệu quả phòng trừ. Luân phiên thuốc để tránh tình trạng rệp sáp quen thuốc.
Bệnh hại
Bệnh vàng lá gân xanh (Greening): do vi khuẩn gram âm Candidatus Liberibacter asiaticus làm cho lá già có những đốm vàng loang lổ, các lá non trên lộc nhỏ, phiến lá chuyển sang màu vàng, gân lá còn giữ màu xanh. Cây có thể ra hoa trái vụ. Triệu chứng lá cây bị bệnh gần giống với triệu chứng thiếu kẽm. Quả thường nhỏ, biến dạng, vỏ dày, trên vỏ quả chín vẫn còn phần xanh. Múi bị khô sượng, tép có vị đắng, hạt thui lép không phát triển, màu nâu, tâm của quả bị lệch vẹo. Rễ cây nhiễm bệnh bị thoái hóa, lượng rễ còn rất ít.
- Biện pháp phòng trừ: Không nhân giống (chiết cành, lấy mắt ghép) từ những cây bưởi có triệu chứng đã bị bệnh vàng lá Greening. Không sử dụng giống không rõ nguồn gốc. Tiêu hủy các cây bị bệnh vàng lá Greening ở trong vườn. Áp dụng các biện pháp quản lý rầy chổng cánh, đặc biệt là những thời điểm cây ra chồi non. Trồng cây chắn gió để ngăn chặn rầy từ nơi khác đến. Sử dụng kít Bác sĩ nhà vườn 1 do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu để giám định nhanh bệnh vàng lá Greening. Có thể giám định cây giống trước khi trồng, giám định cây trong vườn sản xuất để có biện pháp xử lý.
Bệnh loét: do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. citri gây ra, hại cho tất cả các bộ phận của cây trên mặt đất (thân, cành, lá, quả), gây rụng hoa, quả, lá, cành non thì bị khô, làm cây cằn cỗi, chóng tàn. Trên quả, vết bệnh không ăn sâu vào trong múi, quả bị bệnh có phẩm chất kém, không bảo quản được.
- Biện pháp phòng trừ: cắt tỉa và thu gom cành, lá, quả bị bệnh đem tiêu hủy, hạn chế tỉa cành trong điều kiện ẩm ướt. Tuy nhiên các dụng cụ khi sử dụng phải được khử trung bằng dung dịch Javen 5%. Những vườn bị bệnh không nên tưới nước lên tán cây vào buổi chiều mát, không nên tưới thừa nước. Tăng cường bón thêm phân kali cho vườn cây đang bị bệnh. Phun phòng bệnh vào lúc cây mới ra chồi non hoặc khi bệnh bắt đầu xuất hiện. Khi bệnh năng có thể phun từ 2–3 lần, mỗi lần cách nhau từ 10–15 ngày. Sử dụng các loại thuốc như BM Bordeaux M25WP, Kasuran 50 WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride), Isacop 65.2WG (Copper Oxychloride). Nồng độ phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bệnh ghẻ: do nấm Elsinoe fawcetti gây ra. Bệnh gây hại trên lá, quả và cành, làm lá bị biến dạng (đây cũng là một đặc điểm để phân biệt với bệnh loét), quả bị bệnh biến dạng, nhỏ, vỏ dày, khô, ít nước. Bị bệnh nặng sẽ làm quả rụng.
- Biện pháp phòng trừ: thường xuyên vệ sinh cắt tỉa và tiêu hủy ngay cành, lá, quả bị bệnh. Áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh loét cũng giảm được bệnh ghẻ. Phun thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết như Actinovate 1SP (Streptomyces lydicus), Actino – Iron 1.3SP (Streptomyces lydicus + Fe), Kumulus 80 WG (Sulfur), Kasuran 50 WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride), Isacop 65.2WG (Copper Oxychloride). Nồng độ phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bệnh thối gốc, chảy nhựa: do nấm Phytophthora spp. gây ra. Bệnh có thể phát triển nhanh lên ngọn thân hay phát triển vòng quanh thân chính và rễ cái. Bệnh làm lá vàng. Ở dưới đất, nấm xâm nhập vào rễ gây thối hỏng rễ, không hút được dinh dưỡng. Cây bị bệnh ít rễ, rễ ngắn, vỏ rễ thối và rất dễ tuột ra khỏi rễ, nhất là ở các rễ con. Bệnh cũng làm thối quả (thường chỉ thối một bên quả) và rụng. Từ quả bệnh, nấm sẽ lây lan sang quả mạnh do tiếp xúc. Các quả gần mặt đất thường bị bệnh.
- Biện pháp phòng trừ: đất trồng phải thoát nước tốt, vườn cây phải có hệ thống thoát nước. Trồng đúng khoảng cách khuyến cáo, không nên tủ sát gốc vào màu mưa. Trong quá trình chăm sóc, hạn chế tối đa việc gây tổn thương gốc và vùng rễ cây. Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ. Khi thấy bệnh phát triển với vết bệnh nhũn nước, chảy nhựa, nên cạo bỏ vết bệnh, pha đậm đặt và quét thuốc Ridomil Gold 68 WG hoặc Aliette 800WG lên vết bệnh từ 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần. Quét vôi vào gốc cây vào cuối mùa nắng và đầu mùa mưa, mỗi năm nên bón vôi vào vùng đất xung quanh hê thống rễ. Khi thấy hệ thống rễ bị bệnh, nên cắt bỏ rễ bệnh, quét thuốc như trên, tưới thuốc Ridomyl Gold 68 WP (Metalaxyl + Mancozeb) hoặc Agri-Fos 400SL (Phosphorous acid) vào vùng rễ, sau 15-20 ngày bón phân hữu cơ; hoặc dùng các thuốc như Sông Lam 333 50EC (dẫn xuất Salicylic acid), Insuran 50WG (Dimethomorph), Profiler 711.1WG (Fluopicolide + Fosetyl alumilium), bổ sung Trico ĐHCT – phytoph vào đất xung quanh rễ. Thu gom và đốt hết các xác bã thực vật có thể mang mầm bệnh nấm trên mặt đất. Trong vườn cây có nhiều cây bị bệnh, tránh tưới phun lên tán cây vì vô tình sẽ mang mầm bệnh lên phần tán cây. Nếu trong vườn có nhiễm tuyến trùng thì nên rải Regent 0.3GR kết hợp với tưới thuốc Ridomyl Gold 68 WP (Metalaxyl + Mancozeb) hoặc Agri-Fos 400SL (Phosphorous acid).
Bệnh Tristeza: do virus Tristeza làm hỏng mạch dẫn nhựa. Cây bị nhiễm bệnh thường lùn, còi cọc, phát triển kém, lá hơi vàng ở rìa lá và nhỏ. Thân bị lõm trên cành già. Quan sát kỹ ở lá bánh tẻ thường thấy lá bị sưng lên (gân lồi), lá dầy, mặt lá sần sùi và còn thấy có những đoạn trong suốt (gân trong). Cây bị bệnh sớm tàn lụi.
- Biện pháp phòng trừ: trồng cây giống sạch bệnh. Diệt côn trùng môi giới là rệp muội bằng Sherbush, Trebon. Sử dụng gốc ghép chống chịu như gốc cam ngọt. Khử trùng dụng cụ khi chiết ghép, tỉa cành. Loại bỏ những cây bị bệnh và tiêu hủy để tránh lây lan.
Bệnh nấm hồng: do nấm Corticium salmonicolor gây ra. Bệnh gây hại trong mùa mưa ở chảng ba của cây. Trên vỏ cây có nhiều sợi nấm màu trắng phát triển và bao phủ vỏ cây, sau đó tơ nấm chuyển sang màu hồng và che phủ cả thân, cành cây, vỏ cây chuyển sang màu sậm đến đen, cuối cùng vỏ bị khô và nứt ra, cành chết. Đôi khi không thấy được lớp tơ nấm màu hồng mà chỉ thấy được những gai màu hồng nhô lên từ chỗ nứt của vỏ thân.
- Biện pháp phòng trừ: trồng cây đúng khoảng cách. Cắt cành, tiêu hủy cành bệnh, xén tỉa bớt cành lá bên trong tán, tạo điều kiện thông thoáng cho cây. Dùng thuốc gốc đồng quét lên thân cây 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa ngừa được bệnh này rất hiệu quả. Khi cây bị bệnh dùng thuốc Validacin 5SL, Rovral, Anvil, Benomyl để phun.
Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch
Cây bưởi Da xanh từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8 tháng. Khi chín, quả bưởi có túi tinh dầu nở to, vỏ căng và màu vỏ trái vẫn còn xanh, đáy quả hơi lõm vào và khi ấn thì mềm, quả nặng. Nên thu hoạch vào lúc trời mát và nhẹ tay (tránh lúc nắng gắt làm các túi tinh dầu căng, dễ vỡ), không nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị thối khi bảo quản.
Cách thu hoạch: những quả ở vị trí thấp có thể đứng với được thì dùng kéo cắt cành để thu hoạch quả. Đối với những quả ở trên cao, đứng với không tới thì sử dụng kéo cắt cành có cần dài và có khả năng giữ được phần cuống quả, nếu không có kéo cắt cành cần dài thì có thể sử dụng thang chữ A để thu hoạch. Cắt cuống quả, lau sạch cho vào thùng xốp, giỏ hoặc sọt tre, không được để quả xuống đất. Những quả tiếp xúc với đất thì xếp riêng và được coi là sản phẩm không đạt VietGAP. Sau đó chuyển quả đến nơi thoáng mát để phân loại. Lau sạch vỏ quả chờ vận chuyển đến nơi bảo quản và tiêu thụ. Bưởi có thể bảo quản được 12 tuần ở nhiệt độ 120C và ẩm độ 85-90%.
Chất Lượng
Bền Vững
Minh Bạch
Hãy lựa chọn trái cây Lê Viên
Ngay từ khi thành lập, chúng tôi luôn tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của “nguồn năng lượng xanh” độc nhất ở Lê Viên.